“OM 4900” làm nên thương hiệu gạo Cát Tiên
Sở KH-CN Lâm Đồng cho biết, mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận thương hiệu “Gạo Cát Tiên” cho sản phẩm gạo của địa phương này. Như vậy, tính đến lúc này, tỉnh Lâm Đồng đã có 5 sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận thương hiệu là rau Đà Lạt, dứa cazen Đơn Dương, cà phê Di Linh, trà Blao (Bảo Lộc) và bây giờ là “Gạo Cát Tiên”.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, vùng chuyên canh lúa chất lượng cao huyện Cát Tiên đã được UBND tỉnh quy hoạch cách nay chưa lâu; tuy nhiên, “tiếng thơm” về đặc sản gạo Cát Tiên – vùng lúa trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng – thì đã có từ lâu. Để được chính quyền tỉnh Lâm Đồng xác định xây dựng vùng lúa chất lượng cao của tỉnh, từ nhiều năm qua, chính quyền huyện Cát Tiên đã có không ít động thái để hỗ trợ nông dân về giống lúa, kỹ thuật canh tác, kiểm dịch thực vật… để bà con ý thức hơn về chất lượng hàng hóa của mình khi đưa sản phẩm lúa gạo ra thị trường.
Thu hoạch lúa trên “đồng vàng” Cát Tiên. |
Phòng NN-PTNT Cát Tiên cho biết: Việc tạo nên một sản phẩm gạo đặc trưng cho vùng trọng điểm lúa của tỉnh là trăn trở của lãnh đạo huyện Cát Tiên trong nhiều năm qua. Vùng trọng điểm lúa Cát Tiên hiện có đến 7.800ha lúa với năng suất bình quân trên 5 tấn/ha. Có thể nói, Cát Tiên với dòng sông Đồng Nai bao quanh và quanh năm bồi đắp phù sa cho cánh đồng rộng lớn này chính là “đất sống” của cây lúa, đặc biệt là lúa cao sản. Từ nhiều năm trước, những kỹ sư nông nghiệp cùng lãnh đạo huyện Cát Tiên đã “vào cuộc” tìm cho ra một giống lúa đặc sản của riêng địa phương mình bằng cách lặn lội qua không ít cơ quan khoa học chuyên nghiên cứu các giống lúa trong cả nước là một việc làm đáng ghi nhận. Và cuối cùng, sự nỗ lực ấy đã được đền đáp khi tại cánh đồng bên dòng sông Đồng Nai này, giống lúa OM 4900 (trong hơn chục giống lúa đã trồng khảo nghiệm) đã chứng tỏ được ưu thế vượt trội với chất lượng gạo vừa thơm vừa dẻo và rất đặc trưng Cát Tiên. “Cũng giống lúa OM 4900 ấy nhưng nếu mang đi trồng ở những địa phương khác trong tỉnh Lâm Đồng thì chất lượng gạo không thể bằng OM Cát Tiên” – một cán bộ chuyên môn của Phòng NN-PTNT Cát Tiên khẳng định.
Nhờ “đất mới” quanh năm “ăn” phù sa của sông Đồng Nai nên giống lúa OM 4900 đã thực sự bám rễ vào đất Cát Tiên với không những chất lượng gạo cao hơn mà năng suất cũng vượt trội so với nhiều giống lúa khác: Đạt 8 – 9 tấn/ha so với năng suất bình quân hơn 5 tấn/ha. Nhiều nông dân ở xã Phù Mỹ, nơi có cánh đồng khảo nghiệm nhiều giống lúa mới ở Cát Tiên, còn cho biết: Không chỉ có năng suất và chất lượng vượt trội mà giống OM 4900 còn có thể gieo trồng được 3 vụ mỗi năm tại vùng đất Cát Tiên này. Nhờ chất lượng cao hơn nên giá gạo của lúa OM 4900 luôn luôn cao hơn giá các loại gạo khác từ 1.000 đến 1.500 đồng/kg. “Hiện tại, giá một kg gạo thương tại Cát Tiên chỉ nằm khoảng 13.000 – 14.000 đồng nhưng gạo OM 4900 Cát Tiên luôn không thấp hơn 15.000 đồng/kg” – nhiều nông dân và cán bộ ở Cát Tiên xác nhận.
Theo lãnh đạo huyện Cát Tiên, sau khi thương hiệu “Gạo Cát Tiên” đã hình thành bằng giấy chứng nhận của Cục Sở hữu trí tuệ, công việc tiếp theo của địa phương trong thời gian tới là làm thế nào để mở rộng diện tích giống lúa này hơn nữa (hiện cả huyện chỉ có 80ha được trồng bằng giống OM 4900); đồng thời, huyện cũng sẽ tiến hành việc đưa giống gạo mới này đến được với các thị trường lớn trong cả nước cùng với việc đề ra chiến lược đưa “OM Cát Tiên” ra thị trường nước ngoài.